Monday 12 September 2011

Chuyên gia Úc : Tàu sân bay Trung Quốc chẳng có gì đáng sợ !


TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ ba 06 Tháng Chín 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 06 Tháng Chín 2011

Chuyên gia Úc : Tàu sân bay Trung Quốc chẳng có gì đáng sợ !

Hàng không mẫu hạm do Trung Quốc mua lại từ Ukraina (Reuters)
Hàng không mẫu hạm do Trung Quốc mua lại từ Ukraina (Reuters)

Trọng Nghĩa

Sự kiện Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên tháng 8 vừa qua đã làm dấy lên nhiều quan ngại tại Châu Á. Nhưng theo nhật báo Úc The Australian số ra hôm nay, 6/9/2011, các nước trong vùng không nên quá lo âu. Lý do là vì con tàu khổng lồ của Trung Quốc còn quá nhiều điểm yếu nên rất dễ triệt hạ.

Theo hai nhà nghiên cứu Shashank Joshi - Viện nghiên cứu Royal United Services Institute tại Luân Đôn – và Ashley Townshend - Viện Chính sách Quốc tế Lowy tại Sydney – dù đã được hết sức nâng cấp, nhưng chiếc hàng không mẫu hạm Varyag từ thời Liên Xô mà Trung Quốc mua lại, vẫn chỉ thuộc loại tàu sân bay ‘hạ đẳng’ so với chuẩn mực của thế kỷ 21.

So sánh với một chiếc tàu sân bay Mỹ lớp Nimitz chẳng hạn, chiếc tàu Trung Quốc không thấm vào đâu : trong lúc tàu Mỹ chở được 90 chiếc phi cơ, có thể hoạt động trên biển liên tục 20 năm trước khi về bến rà soát lại động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, thì ngược lại, chiếc Varyag chở được tối đa 60 phi cơ, và chỉ ra khơi được vỏn vẹn 45 ngày.

Nguyên lý tồn tại của hàng không mẫu hạm là làm bệ phóng để phát huy uy lực của các chiến đấu cơ. Thế nhưng, trái với các tàu Mỹ, chiếc Varyag vẫn sử dụng kỹ thuật cổ điển là cho máy bay chiến đấu cất cánh từ một dàn phóng trên boong. Để có thể cất cánh được, máy bay phải nhẹ, do đó loại chiến đấu cơ duy nhất của Trung Quốc dùng được trên hàng không mẫu hạm là loại J-15 sẽ phải mang ít vũ khí và nhiên liệu hơn. Hệ quả là hỏa lực cũng như tầm hoạt động bị giảm bớt.

Hơn nữa, chiếc Varyag không có khả năng chứa các loại phi cơ tiếp liệu thường rất nặng. Phạm vi hoạt động của các chiến đấu cơ J-15 lại càng bị bó hẹp hơn khi không có loại phi cơ tếp tế nhiên liệu hỗ trợ.

Tương tự như vậy, các loại máy bay trinh sát cũng rất nặng, cũng không thể đặt cơ sở trên chiếc Varyag. Điều này khiến cho tàu sân bay Trung Quốc không có được hệ thống cảnh báo trước, dễ dàng bị không quân đối phương từ xa lao đến tấn công.

Hải quân Trung Quốc cũng chưa làm chủ được kỹ thuật chống tàu ngầm. Điều đó có nghĩa là tiềm thủy đỉnh tấn công của Mỹ vẫn có thể tự do tung hoàng tại vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không bị hề hấn gì. Còn ở bên kia eo biển, Đài Loan cũng đang đe dọa các chiếc tàu lớn của Trung Quốc bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm, có thể đánh vào các chiếc tàu sân bay đang di chuyển.

Trong khi hải quân Mỹ đã bắt đầu đưa tàu sân bay vào hoạt động kể từ giữa những năm 1930, Trung Quốc hiện vẫn chưa lồng được các loại vũ khí và thiết bi mới mà phần lớn chưa được thử nghiệm trên chiếc Varyag vào một quy trình tác chiến để cho thủy thủ đoàn sử dụng thành thạo. Tàu sân bay Trung Quốc còn thiếu mạng lưới hậu cần để có thể tuần tra xa bờ, chứ chưa nói đến việc chiến đấu. Thực tế này cho thấy là tham vọng thành lập được đội tàu có khả năng can thiệp hữu hiệu ngoài biển khơi của Bắc Kinh còn là một giấc mơ xa vời.

Câu hỏi đặt ra là tàu sân bay Varyag của Trung Quốc có thể thực hiện mục tiêu chiến đấu nào ? Theo hai chuyên gia tác giả bài viết trên tờ The Australian, có hai giả thuyết.

Một là chiếc hàng không mẫu hạm này có thể hữu ích trong một cuộc xung đột với Đài Loan vì sẽ cho phép Trung Quốc tung lực lượng không quân và hải quân tấn công từ nhiều hướng, chứ không nhất thiết phải giới hạn ở vùng eo biển. Thế nhưng Trung Quốc hiện đã có hơn 1.300 tên lửa hướng về Đài Loan (có nguồn tin nói đến 1.600, do đó tàu sân bay Varyag sẽ không mang lại thêm một ích lợi nào. Ngoài ra, trong trường hợp nổ ra chiến tranh ở vùng eo biển Đài Loan, gần như chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ nhập cuộc, và như vậy tàu sân bay ‘’thứ phẩm’’ của Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị qua mặt.

Kịch bản khác từng được phái diều hâu tại Bắc Kinh nêu bật là dùng chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh này để đe dọa các đối thủ đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Theo hai chuyên gia Joshi và Townshend, dùng tàu hải giám để hù dọa các tàu thương mại dân sự là một chuyện, nhưng viện đến tàu sân bay là một hành vị leo thang quá trớn. Động thái đó sẽ đẩy khối ASEAN xích lại gần Washington hơn nữa, vì thế có lẽ Bắc Kinh sẽ không sử dụng chiếc Varyag một cách mạnh bạo như vậy.

Theo báo The Australian, ngay cả khi Trung Quốc điều chiếc tàu sân bay của họ xuống vùng Biển Đông, chiếc tàu này sẽ dễ dàng làm mồi cho các loại vũ khí của đối phương đặt trên đất liền hay di chuyển ngoài biển. Việt Nam đã đặt mua sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo và 12 chiến đấu cơ Sukhoi ; Malaysia cũng trang bị hai tiềm thủy đỉnh lớp Scorpene; Indonesia dự trù mua hai tàu ngầm trong năm nay và Philippines cũng tìm cách trang bị cho mình một chiếc.

Cùng với các loại tên lửa chống hạm mà các nước này đã có, các chiếc tàu ngầm được mệnh danh là phương tiện diệt hàng không mẫu hạm này, sẽ là ác mộng đối với Bắc Kinh, đó là chưa kể đến uy lực đang được tăng cường của hải quân Ấn Độ và Nhật Bản.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc dư biết những yếu kém của họ, thế nhưng tại sao họ lại nhất quyết phải nhanh chóng cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình ?

Đối với Joshi và Townshend, ngoài nhu cầu cần phải có bước khởi đầu để rút tỉa kinh nghiệm và huấn luyện đội ngũ, ý nghĩa thực sự của chiếc Varyag nằm trong mong muốn phô trương thanh thế của Bắc Kinh.

Ở trong nước, dư luận ngày càng cho rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc, và một cường quốc cần phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh, và hải quân hùng mạnh phải có hàng không mẫu hạm. Trung Quốc là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không có tàu sân bay, một thực tế bị hàng triệu người Trung Quốc cho là nhục nhã.

Chính vì cho là sự kiện chiếc Varyag được hạ thủy mang ý nghĩa phô diễn là chính, cho nên hai chuyên gia trên báo Úc cho rằng lẽ ra các láng giềng của Trung Quốc không nên có phản ứng quá nóng nảy. Vài hôm sau khi hàng không mẫu hạm bắt đầu chuyến chạy thử, Đài Loan liền giới thiệu loại tên lửa chống hạm đời mới nhất của họ. Tấm pa nô quảng cáo cho thấy cảnh một chiếc tàu sân bay bị tên lửa tàn phá.

Về phía Mỹ cũng thế, 4 ngày sau khi Trung Quốc cho hạ thủy chiếc Varyag, siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hoa Kỳ đã neo lại ngoài khơi Thành phố Hô Chí Minh để đón tiếp báo giới và viên chức chính phủ và quân đội Việt Nam lên thăm.

Đối với Joshi và Townshend, phản ứng quá trớn trước một sự kiện không đáng chỉ có tác dụng tăng cường thanh thế cho các thành phần hiếu chiến trong đảng Đảng Cộng sản và Quân đội Trung Quốc, kích động thêm tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dư luận Trung Quốc. Vào lúc chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy, thách thức lớn nhất đối với châu Á là phải làm sao để cho các láng giềng của Trung Quốc phản ứng một cách tỉnh táo, không coi thường mối đe dọa, nhưng cũng không quá hoảng hốt.

source

RFI Vietnamese

Thursday 1 September 2011

Tàu chiến TQ chạm trán tàu Ấn Độ ở Biển Đông


Cập nhật 01/09/2011 11:24:23 AM (GMT+7)
Go.vn

Báo Anh: Tàu chiến TQ chạm trán tàu Ấn Độ ở Biển Đông

Một tàu chiến Trung Quốc đã đối diện với tàu hải quân Ấn Độ ngay sau khi con tàu rời vùng biển của Việt Nam cuối tháng 7. Đây được cho là vụ chạm trán đầu tiên giữa hải quân hai nước tại Biển Đông.

Theo Thời báo Tài chính (Anh), 5 người biết rõ vụ việc này nói rằng, tàu chiến không nhận dạng được của Trung Quốc đã yêu cầu tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ mang tên INS Airavat phải tự nhận dạng và giải thích sự hiện diện tại vùng biển quốc tế ngay sau lúc nó hoàn thành một chuyến thăm cảng ở Việt Nam.

Tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ, INS Airavat. Ảnh: defencetalk

Tờ báo nhận định, đây là ví dụ mới nhất cho thấy sự quả quyết ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc. Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines. Trong đó, Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền lớn nhất thông qua việc tự đưa ra bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết vùng biển giàu tài nguyên dầu khí này.

“Hải quân của bất kỳ nước nào trên thế giới đều được tự do qua lại ở những vùng nước này hoặc các vùng biển cả”, một quan chức Ấn Độ nắm rõ vụ chạm trán nói. “Bất kỳ quốc gia nào tuyên bố quyền sở hữu hoặc đặt câu hỏi về quyền qua lại của một quốc gia khác là không thể chấp nhận được".

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ hiện chưa có bình luận nào về vụ việc này.

Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh biển, đặc biệt là chiến lược tiếp cận Ấn Độ Dương đã đặt ra các quan ngại an ninh tại New Delhi.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông trở nên căng thẳng trong vài tháng gần đây. Cả Philippines và Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối hành động gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng đã thu hút sự chú ý của Washington. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm ngoái đã chọc giận Bắc Kinh khi tuyên bố nước này có một "lợi ích quốc gia" trong tự do hàng hải ở Biển Đông và đề xuất đứng ra làm trung gian các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp.

Thái An (theo FT)
source
http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/37817/bao-anh--tau-chien-tq-cham-tran-tau-an-do-o-bien-dong.html