Phải chăng phép lạ kinh tế Trung Quốc đã bị lạm phát đánh vào nhược điểm ? Từ nhiều tháng nay, người dân Trung Quốc bàng hoàng khi thấy giá nhu yếu phẩm cũng như các loại thực phẩm bình thường không thể thiếu trong bữa cơm đột nhiên mỗi ngày mỗi leo thang hơn 62% trong vòng một năm.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 được công bố là 4,4% nhưng Viện Khoa học Xã hội nói đến mức độ nghiêm trọng, hơn 7% thống kê chính thức. Thừa nhận thất bại không kềm được lạm phát ở 3% mỗi năm, và do lo sợ bất ổn định xã hội, Bắc Kinh vội vã trấn an dân chúng bằng một vài biện pháp tình thế như mở kho dự trữ thịt, đường và ra lệnh chính quyền địa phương kiểm soát giá cả.
Giới phân tích cảnh báo các « giải pháp tình thế » này không hiệu quả. Theo giới truyền thông Tây phương thì phép lạ kinh tế Trung Quốc đang bị nạn lạm phát phi mã đe dọa.
Từ một năm nay, những thức ăn hàng ngày từ hành tỏi, rau đậu, dầu ăn đến rong biển tất cả đều trở thành quý hiếm. Theo số liệu chính thức công bố hồi trung tuần tháng 11/2010, thì tỷ số lạm phát trong tháng 10 là 4,4% trong khi Viện Khoa học Xã hội thẩm định là trong năm năm qua, tỷ lệ lạm phát thực cao hơn con số do nhà nước cung cấp đến 7%.
Thực phẩm lên giá đe dọa dạ dày dân chúng. Giá một phần ăn ở nhà trường tăng đột biến 125%, từ 0,2 lên 0,5 nhân dân tệ.Cảnh tượng học sinh một trường trung học ở Quý Châu bày tỏ lòng phẫn nộ bằng hành động đập nát nhà ăn (cantine) của trường đang được lan truyền từ nhiều ngày qua trên mạng internet. Vụ bạo động này không phải là hình thức duy nhất minh họa sự bất an của dân chúng.Cổng thông tin điện tử Thiên Nhai tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến xem Hán tự nào được bầu làm từ ngữ nói lên được ý nghĩa của năm 2010 sắp hết. Chưa chi mà từ « Trướng » đã đứng đầu danh sách. Viết với bộ « thủy », chữ « trướng » mang nghĩa « lên cao ».
Trước chiều hướng giá cả leo thang với vận tốc phi mã, Bắc Kinh đã phải thừa nhận là chỉ tiêu giới hạn lạm phát trong năm 2010 khoảng 3% là không thể thực hiện được. Thường trực lo âu « bất ổn xã hội », chính phủ Trung Quốc tung lúa mì, dầu ăn, đường từ các kho dự trữ ra bán. Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ thị kiểm soát giá cả. Truyền thông nhà nước quy trách nhiệm cho đầu cơ.
Tuy nhiên các biện pháp « chữa cháy » trên đây không trấn an được dư luận. Giới chuyên gia cảnh báo là các biện pháp hành chánh tạm thời sẽ không mang lại kết quả mà còn tạo thêm vấn đề. Giáo sư Patrick Chovanec, đại học Thanh Hoa giải thích là « giải pháp kiểm soát giá cả không giải quyết căn nguyên nguồn cội của vấn đề mà còn tạo ra phản tác dụng cho kinh tế ». Nhà kinh tế Louis Kuijs của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Bắc Kinh khuyến cáo Trung Quốc phải tiến hành các biện pháp « siết chặt chính sách tiền tệ » trong bối cảnh lượng tiền mặt lưu hành tăng đến 70% trong vòng một năm .
Những nguyên nhân sâu xa nào làm cho lạm phát tại Trung Quốc gia tăng ? Vì sao các biện pháp do chính phủ đề ra bị chỉ trích là không thể thành công, và chính quyền Trung Quốc chưa đủ quyết tâm thực hiện các giải pháp triệt để nhất ?
RFI đặt câu hỏi với giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ.
Giáo sư Nguyễn Phúc Liên :
« Một trong những nguyên nhân gây lạm phát tại Trung Quốc là lượng tiền lưu hành quá lớn. Một phần là do đầu cơ , một phần lớn là do chính các ngân hàng Trung Quốc, vì tham nhũng, cho vay theo kiểu « đường hầm», một phần nữa là do nhà nước rót tiền vào đầu tư để duy trì chỉ tiêu tăng trưởng. Thêm vào đó, giá thực phẩm leo thang vì chính sách của nhà nước là tập trung xuất khẩu không phục vụ (dạ dày) của người dân.. . Bây giờ kiểm soát nguồn tài chính thì e mất vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế sẽ yếu, công ty sa thải công nhân, thất nghiệp tăng…nhà nước sợ lộn xộn, bất ổn xã hội… do đó họ tiến thoái lưỡng nan, họ bị bí lối ».source
RFI Vietnamese