Wednesday, 22 June 2011

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dọa sử dụng biện pháp quân sự đối với Việt Nam


VIỆT NAM - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ tư 22 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 22 Tháng Sáu 2011
Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dọa sử dụng biện pháp quân sự đối với Việt Nam
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh hải của mình (DR)
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh hải của mình (DR)
Thanh Phương

Tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo), một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận đăng ngày hôm qua, đã cảnh cáo Việt Nam là Bắc Kinh sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả hành động quân sự, để bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông. Kể từ khi căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông gia tăng, đây là lần đầu tiên mà Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam.

Trong bài xã luận nói trên, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng, nếu không tìm được một « giải pháp hòa bình » cho các tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc sẽ buộc phải sử dụng lực lượng hải quân và hải giám để bảo vệ lãnh hải của mình. Tờ báo viết : « Nếu Việt Nam muốn gây ra chiến tranh trên biển Hoa Nam, Trung Quốc sẽ nhất quyết đáp ứng mong muốn đó. Trung Quốc có đủ sức mạnh để đè bẹp các hạm đội từ Việt Nam. Trung Quốc sẽ không nương tay với đối thủ. ».

Theo Hoàn cầu Thời báo, tấn công vào Việt Nam sẽ không dẫn đến xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ, nhưng « cho dù sẽ xảy ra vài va chạm », không có lý do gì mà Trung Quốc phải chịu đựng « thói xấu vô giới hạn của Việt Nam trên biển Hoa Nam ».

Bắc Kinh đã giận dữ kể từ khi Việt Nam tuyên bố hoan nghênh Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông, một vấn đề mà cho tới nay, Trung Quốc vẫn đòi là phải được giải quyết trên cơ sở song phương.

Tờ Hoàn cầu Thời báo đã đăng bài xã luận nói trên sau khi thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, phát biểu tại một cuộc hội thảo về Biển Đông ở Washington, hôm thứ hai vừa qua đã kêu gọi Hoa Kỳ giúp các nước Đông Nam Á phát triển lực lượng hải quân để đối phó với Trung Quốc. Theo ông McCain, chính những đòi hỏi chủ quyền « không vững chắc » và thái độ hung hăng của Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Nhưng báo chí Trung Quốc, đặc biệt là những tờ báo Anh ngữ như Global Times hay China Daily, trong những ngày qua vẫn liên tục khẳng định ngược lại. Tờ China Daily hôm nay đã đăng ý kiến một học giả thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng « nguồn gốc của tranh chấp trên biển Hoa Nam hiện nay là do những hành động đơn phương của Việt Nam và Philipppines ». Vị học giả này cho rằng, « Hoa Kỳ, quốc gia không thuộc khu vực này, đã đổ thêm dầu vào lửa, khi đòi tự do lưu thông hàng hải và mở các cuộc tập trận chung ở các vùng biển của Trung Quốc ».

Tác giả bài viết trên tờ China Daily còn đề nghị là Trung Quốc trước hết phải nói rõ cho quốc tế viết lập trường của mình về vấn đề Biển Đông, thứ hai là Trung Quốc phải bám lấy nguyên tắc « cùng phát triển những vùng đang tranh chấp » và thứ ba là chính phủ phải lập ra một cơ quan cao cấp về các vấn đề biển để phối hợp hành động, đồng thời khẳng định đường ranh giới hình chữ U ( mà dân Việt Nam vẫn gọi là đường lưỡi bò ) trên Biển Đông.

Như vậy là một mặt đe doạ dùng vũ lực đối với Việt Nam, mặt khác, báo chí chính thức bằng Anh ngữ của Trung Quốc vẫn cố gắng làm cho công luận quốc tế nghĩ rằng chính những nước khác trong khu vực như Việt Nam và Philippines đang « gia tăng nỗ lực khai thác tài nguyên và lấn chiếm quần đảo Nam Sa ( Trường Sa ) và Tây Sa ( Hoàng Sa ) của Trung Quốc.

source:

RFI Vietnamese

Wednesday, 15 June 2011

Mỹ-Việt tập luyện hải quân chung


Cập nhật: 09:18 GMT - thứ ba, 14 tháng 6, 2011

Mỹ-Việt tập luyện hải quân chung

Tàu chiến Hoa Kỳ

Báo Hong Kong cho hay Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị diễn tập chung, trong khi một thượng nghị sỹ Mỹ nói nước này cần mạnh mẽ hơn về Biển Đông.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - SCMP) loan tin hoạt động chung sẽ được thực hiện vào tháng tới.

Quan chức Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ xác nhận với báo này rằng một khu trục hạm của Mỹ sẽ tới Đà Nẵng vào tháng tới nhằm tham gia hoạt động luyện tập tìm kiếm cứu hộ với Hải quân Việt Nam.

Họ cũng nói đây là việc luyện tập thường niên mà Hạm đội 7 tiến hành với các nước đồng minh trong khu vực.

Ngay cuối tháng này, cũng trong khuôn khổ hợp tác hải quân chung, hai tàu chiến của Mỹ sẽ tham gia diễn tập với Philippines ngoài khơi đảo Palawan trong Biển Đông.

Trước đó đã có tin hàng không mẫu hạm USS George Washington rời căn cứ Yokosuka hôm Chủ nhật để tham gia các cuộc tuần tra đa quốc gia ở Tây Thái Bình Dương, kể cả vùng Biển Đông.

Người phát ngôn của Hạm đội 7 Jeff Davis được SCMP dẫn lời nói các hoạt động dồn dập nói trên đã được lên lịch từ lâu và không liên quan tới tình hình căng thẳng hiện tại giữa các nước Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.

Ông nói: "Rõ ràng là chúng tôi luôn theo dõi tình hình Biển Đông một cách cẩn trọng. Chúng tôi hy vọng rằng các tranh chấp có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao".

Năm ngoái, Hạm đội 7 cũng đã có các hoạt động chung với Hải quân Việt Nam kéo dài một tuần, mà hai bên giải thích là để kỷ niệm 15 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

'Lập trường quá yếu ớt'

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ bang Virginia của Mỹ Jim Webb vừa lên tiếng kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ phải có động thái tương thích trước các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Webb, nghị sỹ đảng Dân chủ và là chủ tịch tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, yêu cầu các dân biểu lên án cách hành xử của Bắc Kinh trong các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng.

Ông phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại hôm thứ Hai 13/06 rằng ông đang đề xướng một dự luật lên án việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc và đòi hỏi nước này phải tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Ông Webb nói: "Tôi cho rằng chính phủ chúng ta giữ lập trường quá yếu ớt trong vấn đề này".

"Khi chúng ta nói rằng chính phủ Mỹ không có lập trường gì trong các vấn đề chủ quyền, thì việc không có lập trường cũng có nghĩa là tỏ lập trường rồi."

Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia không liên quan nào can thiệp vào tranh chấp, đồng thời phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Nam Hải (Biển Đông).

Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc

Ông thượng nghị sỹ, người sẽ không ra tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử 2012, không kêu gọi Mỹ hành động can thiệp vào các tranh cãi chủ quyền nhưng đề xuất: "Chúng ta cần làm việc trong một diễn đàn đa phương để giải quyết các vấn đề này".

Việt Nam tuần trước ngỏ ý hoan nghênh "nỗ lực của cộng đồng quốc tế", trong có Hoa Kỳ, trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh báo các nước thứ ba không nên can thiệp vào tình hình Biển Đông.

Một bài xã luận trên nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc hôm thứ Ba 14/06 tuyên bố "các nước không liên quan cần lui ra".

Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh: "Tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua tham vấn hữu nghị giữa hai bên liên quan".

"Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia không liên quan nào can thiệp vào tranh chấp, đồng thời phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Nam Hải (Biển Đông)."

source

BBC Vietnamese

Nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc ngăn chặn điều tra phụ tùng giả


Thứ Ba, 14 tháng 6 2011

Nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc ngăn chặn điều tra phụ tùng giả


Thượng nghị sĩ Carl Levin (phải) và Thượng nghị sĩ John McCain
Hình: AP
Thượng nghị sĩ Carl Levin (phải) và Thượng nghị sĩ John McCain
Một số các nhà lập pháp hàng đầu Mỹ cáo buộc Trung Quốc cản trở một cuộc điều tra về những bộ phận điện tử giả sử dụng trong hệ thống vũ khí Mỹ.

Nghị sĩ Carl Levin, đảng Dân chủ bang Michigan, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Nghị sĩ Cộng hòa John McCain, bang Arizona nói lên điều này với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Washington hôm thứ Ba.

Hai vị nghị sĩ nói cho đến nay, Trung Quốc từ chối không cho phép nhân viên của Ủy ban vào Hoa lục. Nghị sĩ Levin nói các giới chức Trung Quốc thông báo cho Ủy ban là ngay cả khi visa được cấp, một đại diện của chính phủ Trung Quốc sẽ giám sát các công việc của nhân viên Ủy ban.

Nghị sĩ Levin gọi điều kiện này là không chấp nhận được.

Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời, khi Đài VOA yêu cầu bình luận về việc này.
source
VOA Vietnamese

Monday, 13 June 2011

Đài Loan chuẩn bị triển khai vũ khí hạng nặng đến quần đảo Trường Sa


ĐÀI LOAN - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Chủ nhật 12 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 12 Tháng Sáu 2011
Đài Loan chuẩn bị triển khai vũ khí hạng nặng đến quần đảo Trường Sa
Tàu Kang Ding của Hải quân Đài Loan, một trong sáu chiếc tàu chiến do Pháp sản xuất.
Tàu Kang Ding của Hải quân Đài Loan, một trong sáu chiếc tàu chiến do Pháp sản xuất.
Nguồn: www.wikipedia.org
Thanh Hà

Một phát ngôn viên của bộ Quốc phòng Đài Loan, ông David Lo hôm nay cho biết : Đài Bắc đang hướng tới kế hoạch triển khai tàu có trang bị ngư lôi đến khu vực biển Đông, đưa xe thiết giáp đến khu vực Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Đài Loan lo ngại lính tuần duyên đồn trú tại tại Trường Sa và Đông Sa quần đảo « chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ » và không đủ sức đối phó trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, ông David Lo cũng cho biết, phía Đài Loan mới chỉ nghiên cứu khả năng đưa vũ khí hạng nặng tới vùng có tranh chấp chủ quyền, nhưng Đài Bắc chưa lấy quyết định cuối cùng. Hiện có khoảng 130 lính Đài Loan đang đóng quân tại đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong khu vực Trường Sa.

Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền đối với một số đảo thuộc khu vực Trường Sa nơi có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước như là Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Riêng tại Đông Sa, Đài Loan và Trung Quốc cùng muốn khẳng định chủ quyền tại các hòn đảo này.

Theo báo chí địa phương, dù sao việc đưa tàu có trang bị ngư lôi và xe tăng đến khu vực cũng sẽ là một hành động răn đe. AFP nhắc lại : hiện nay, mỗi tàu Hải Âu -Seagull 47 tấn của Đài Loan- được trang bị hai tên lửa loại Hùng Phong 1, với tầm phóng 40 km.

Tuyên bố trên đây của chính quyền Đài Bắc được đưa ra, vào lúc căng thẳng tại Biển Đông leo thang sau nhiều năm tương đối yên ắng. Hôm qua Đài Loan khẳng định lại chủ quyền tại Trường Sa và một cụm ba hòn đảo khác ở Biển Đông.

source

RFI Vietnamese

Friday, 10 June 2011

Việt Nam sẽ cùng với Hoa Kỳ và nhiều nước khác tham gia cuộc thao dượt duy trì hòa bình


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Sáu, 10 tháng 6 2011 =

VN, Mỹ và nhiều nước khác tham gia cuộc thao dượt duy trì hòa bình

Bản đồ các nước Ðông Nam Á

Cuộc tập trận sẽ diễn ra ở tỉnh Prachuap Khiri Khan, Thái Lan từ ngày 13 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7


Việt Nam sẽ cùng với Hoa Kỳ và nhiều nước khác tham gia cuộc thao dượt duy trì hòa bình ở Thái Lan vào trung tuần tháng này.

Bản tin hôm thứ 5 của tờ Bangkok Post cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra ở tỉnh Prachuap Khiri Khan từ ngày 13 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 với các binh sĩ đến từ 13 nước, gồm có Australia, Bangladesh, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Rwanda, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang chuẩn bị tập trận hải quân trong vùng biển Tây Thái bình dương.

Tân Hoa Xã hôm thứ 5 trích thuật thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc diễn tập sẽ được thực hiện tại những vùng biển quốc tế vào nửa cuối tháng 6 và không nhắm vào quốc gia nào.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh không cho biết về vị trí sẽ thực hiện những hoạt động quân sự mà họ nói là “cuộc tập trận theo lịch trình của kế hoạch thường niên.”

Trước đó, báo chí Nhật Bản cho hay 8 tàu hải quân Trung Quốc đã chạy qua vùng biển giữa hai đảo Okinawa và Miyako hôm mồng 8 tháng 3 và 3 chiếc khác chạy cùng tuyến đường vào sáng hôm sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa tuyên bố Tokyo sẽ theo dõi sát các hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc với mối “quan tâm sâu sắc”, sau sự kiện 11 tàu chiến của Bắc Kinh thực hiện điều mà ông mô tả là “dương oai diệu võ” gần vùng biển của Nhật trong những ngày vừa qua.

Nguồn: Bangkok Post / Xinhua

source

VOA Vietnamese

Thursday, 9 June 2011

Khu trục hạm Mỹ vào Tây Thái Bình Dương


Cập nhật: 20:48 GMT - thứ năm, 9 tháng 6, 2011

Khu trục hạm Mỹ vào Tây Thái Bình Dương

Hoa Kỳ lại vừa điều chiếc USS Chung-Hoon, chiến hạm từng hỗ trợ tàu thăm dò Impeccable bị Trung Quốc 'làm phiền' năm 2009 ở Biển Đông, vào phía Tây Thái Bình Dương.

Tin hôm đầu tháng của Hải quân Hoa Kỳ cho hay chiếc khu trục hạm USS Chung-Hoon đã rời căn cứ ở đảo Hawaii để vào Tây Thái Bình Dương.

Chiếc tàu có 280 thủy thủ sẽ có các hoạt động hợp tác với các nước cùng liên minh (coalition partners) được điều ra khu vực này, theo trang web của Hải quân Mỹ.

Tin từ Tokyo hôm thứ Sáu 3/6 của Hải quân Hoa Kỳ cho hay chiếc tàu rời căn cứ ở Trân Châu Cảng hôm thứ Tư trong tuần trong sứ mạng xác định “quyền tự do hải hành" trong vùng.

Nhưng phía Mỹ cũng nói nhiệm vụ của tàu còn là để "răn đe" (deterrence), thúc đẩy "hòa bình, an ninh" cũng như đảm bảo sẵn sàng cứu trợ nhân đạo.

Sự cọ́ mặt của tàu chiến Mỹ tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á không làm báo chí Hoa Kỳ ngạc nhiên.

Trong một bài blog trên trang The Diplomat hôm 8/6, cây bút Bấm Damien Tomkins từ trung tâm East-West Center ở Washington cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ nhằm "tích cực ủng hộ hòa bình và ổn đ̣ịnh" có tác dụng răn đe và cả hỗ trợ nhân đạo, là "điều tốt chung cho mọi bên".

Tác giả này cổ vũ cho phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates gần đây về nguyên tắc "thông thương hải lộ cho tất cả" ở Biển Đông.

Truyền thông Hoa Kỳ cũng nhắc lại rằng chính tàu Chung-Hoon hồi tháng 3/2009 đã "hộ tống tàu thăm dò Impeccable" khi chiếc tàu kia "rơi vào tâm điểm của một vụ giằng co với các tàu của Trung Quốc ở vùng Biển Nam Trung Hoa".

Năm ngoái, chiếc tàu mang hỏa tiễn có điều khiển này đã từng hợp tác huấn luyện với lực lượng phòng thủ bờ biển của Philippines ở Biển Sulu.

Mang tên vị phó đô đốc Gordon Chung-Hoon (1910-1979), người Mỹ gốc châu Á từng làm thống đốc Hawaii, tàu này cũng từng hợp tác tập trận với Hải quân Singapore.

Hồi tháng 7/2010, chiến hạm USS Chung-Hoon cũng có chuyến hải trình trên Thái Bình Dương, cùng chiếc USS Lassen, khi đó do Trung tá Lê Bá Hùng làm hạm trưởng.

Tàu USS Chung-Hoon, do Trung tá Stephen S. Erb chỉ huy cho đến ngày 8/6 vẫn đang ở giữa Thái Bình Dương, sau khi đi qua đảo Midway vào ngày Chủ Nhật.

Khu trục hạm USS Chung-Hoon (DDG-93), có trọng tải khoảng 9200 tấn, thuộc hạng Arleigh-Burke được trang bị radar Aegis, cùng nhiều hỏa tiễn chống phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả hỏa tiễn Tomahawk.

source

BBC Vietnamese

Sunday, 5 June 2011

Tàu sân bay TQ 'không như mong đợi'


Cập nhật: 11:29 GMT - thứ ba, 17 tháng 5, 2011

Tàu sân bay TQ 'không như mong đợi'

Tàu Varyag khi còn hoạt động

Trung Quốc là nước châu Á thứ ba và nước thứ 10 trên thế giới có tàu sân bay khi hàng không mẫu hạm Varyag được hoàn tất.

Tuy nhiên, như tác giả Oliver Chou phân tích trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng Chủ nhật vừa qua, hàng không mẫu hạm đầu tiên này có thể khiến những người nóng lòng trông đợi thất vọng.

Tin cho hay rằng tàu sân bay cải biến từ chiến hạm Varyag mà Ukraina lắp đặt từ thời Xô viết sẽ được chuyển giao cho Giải phóng quân Trung Quốc nhằm ngày 01/10/2012.

Chiếc tàu nặng 66.000 tấn sẽ là "món quà đặc biệt" nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, và cũng nhân Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào dịp đó.

Có trong tay hàng không mẫu hạm, hải quân Trung Quốc hy vọng sẽ từ phòng thủ bờ biển chuyển sang hoạt động xa bờ. Hiện trong số các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, chỉ có Trung Quốc là chưa có tàu sân bay.

Người ta ví việc khánh thành tàu Varyag với việc Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử năm 1964, mà dư luận Trung Quốc lúc đó nói đã giảm hẳn nguy cơ tấn công hạt nhân từ Hoa Kỳ đối với nước này.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì tuyên bố rằng "giấc mơ 70 năm của Trung Quốc sắp trở thành hiện thực".

Chủ đề nóng trên internet

Từ khi các tấm ảnh chụp hình tàu Varyag đang thiết kế lại được tung lên mạng internet hồi đầu tháng trước, nó đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong lĩnh vực quân sự.

Trên mạng internet người ta cũng lưu truyền các bức ảnh chiến đấu cơ J-15, một phiên bản của máy bay Sukhoi SU-33 của Nga, mà tàu Varyag có thể mang trên khoang tới 50 chiếc.

Giấc mộng 40 năm

  • 1970: TQ nghiên cứu tiền khả thi việc lắp tàu sân bay
  • 1980: Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ thăm hàng không mẫu hạm Kitty Hawk của Mỹ
  • 1985: TQ mua tàu sân bay Melbourne mà Úc thôi sử dụng
  • 1988: TQ và Việt Nam giao tranh tại Trường Sa
  • 1994: TQ mua tàu Minsk của Nga, nay trưng bày tại Thâm Quyến
  • 1998: TQ mua tàu Varyag của Ukraina
  • 2004: TQ quyết định cải tạo nâng cấp Varyag

Nói về tàu Varyag, cộng đồng mạng Trung Quốc chia thành hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất tỏ ra mong mỏi hàng không mẫu hạm này được khai trương càng sớm càng tốt, "dù chưa xong cũng được".

Ý kiến thứ hai tỏ ra dè dặt hơn.

Chuẩn đô đốc Doãn Trác viết trên một diễn đàn của tờ Nhân dân Nhật báo:"Tàu Varyag chưa bao giờ được mang ra sử dụng và chúng ta nhận nó khi đã hoàn tất tới 70% thiết kế ban đầu".

"Có thể nói nó chẳng phải lừa, mà cũng không phải ngựa... một dạng như con la vậy."

Theo ông Doãn, khi mang vào vận hành tàu Varyag sẽ chở cả chiến đấu cơ lẫn trực thăng săn tàu ngầm, có quá nhiều công hiệu nhưng không có gì thật tốt và chạy bằng nhiên liệu thường chứ không phải năng lượng nguyên tử.

Nhận xét của ông Doãn Trác lập tức bị phản bác. Một người viết trên cùng diễn đàn: "Ông Doãn không nên quá chỉ trích đối với hàng không mẫu hạm Varyag. Đối với chúng ta, đó đã là bước tiến từ không tới có".

"Tàu này có thể không sánh được với tàu sân bay nguyên tử của Mỹ, nhưng so với tàu Charles de Gaulle của Pháp thì đâu có kém cạnh gì và có thể trở thành nỗi kinh sợ của lũ du thủ du thực."

Giá trị thực

Các chuyên gia cũng không đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của tàu Varyag đối với an ninh khu vực và cán cân quyền lực tại đây.

Có người, như ông Andrei Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review đặt tại Canada, cho rằng nếu như người Trung Quốc có thể cải tạo tàu Varyag trong thời gian 5 năm thì điều đó chứng tỏ công nghệ đóng tàu của Trung Quốc đã khá phát triển.

"Nếu có ngân sách, thì việc thiết kế và lắp đặt tàu sân bay hoàn toàn của Trung Quốc trong tương lai chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn nhiều."

Tàu Varyag

Tàu Varyag đang được lắp đặt tại xưởng đóng tày Đại Liên

Theo ông Chang, chi phí dành cho việc lắp hàng không mẫu hạm không được phản ánh trong ngân sách quốc phòng hàng năm mà thuộc dạng "ngân quỹ ngầm".

Hải quân Trung Quốc dành 4,49 tỷ USD để mua trang thiết bị trong năm 2010, nhưng việc cải tạo nâng cậ́p tàu Varyag có thể lên tới 5 tỷ USD.

Để tự lắp đặt một hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, chi phí vào khoảng 5 tỷ Nhân dân tệ, tức khoảng 1/7 chi phí cải tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có thêm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay mà nếu không có chiếc Varyag trong tay, họ sẽ khó lòng có được.

Mã Đỉnh Thịnh, một bình luận viên về các chủ đề quân sự có uy tín ở Hong Kong, tỏ ra hoài nghi về giá trị của hàng không mẫu hạm Varyag.

Theo ông, chiếc tàu này không có khả năng tác chiến, không có tàu dẫn đường và cũng chẳng có bến đỗ ngoài khơi.

"Trong khi Hoa Kỳ có đội ngũ tàu ngầm tới 60 chiếc để bảo vệ các hàng không mẫu hạm, Trung Quốc chỉ có hai hay ba chiếc."

Ông Mã nói: "Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới có sử dụng tàu sân bay tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Liệu Nhật có lo sợ trước chiếc tàu cấp ba của Nga hay không?"

"Đài Loan thì có thể sẽ sợ. Nhưng đối với Đài Loan thì lại không cần thiết vì đã có hệ thống hỏa tiễn qua eo biển rồi và thêm tàu sân bay sẽ chỉ đẩy Đài Loan thêm gần Nhật Bản."

"Liệu Bắc Kinh có muốn điều này hay không?"

Chuyên gia Mã Đỉnh Thịnh cũng nói các nước như Việt Nam hay Philippines cũng không vì thế mà rút khỏi các đảo và bãi cạn mà họ đã chiếm cứ trong Biển Đông.

Ông nêu ra giả thuyết là dự án tàu Varyag chỉ là cách thức để quân đội Trung Quốc có thể tìm kiếm ngân sách lớn hơn từ chính phủ vì các nhà lãnh đạo dân sự sẽ không thể cưỡng lại được trước ánh hào quang của một công trình như vậy.

"Một khi tàu Varyag được khánh thành, thì trong 10 tới 20 năm nữa sẽ còn tiếp tục có các yêu sách nữa."

source

BBC Vietnamese

Wednesday, 1 June 2011

Philippines phản đối TQ xâm nhập vùng biển phía nam Trung Hoa


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Tư, 01 tháng 6 2011

Philippines phản đối TQ xâm nhập vùng biển phía nam Trung Hoa

Bản đồ Philippines

Trung Quốc đưa vật liệu đến dựng các cột trên các vỉa đá mà Manila tuyên bố chủ quyền, trong vùng biển nằm về phía nam Trung Hoa


Chính phủ Philippines cho hay họ đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” với đại sứ quán Trung Quốc về các tin tức nói rằng tàu của Trung Quốc đưa vật liệu xây dựng đến và dựng lên những cột đánh dấu trên các vỉa đá mà Manila tuyên bố chủ quyền ở biển nam Trung Hoa.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay nói rằng quân đội Philippines theo dõi các hành động này diễn ra gần nơi gọi là Iroguois hay Amy Douglas Bank, cách đảo Palawan của Philippines 230 kilômét về hướng tây.

Manila nói rằng địa điểm này hoàn toàn nằm trong đường kính 370 kilômét của đặc khu kinh tế hoàn toàn thuộc về Philippines.

Bộ ngoại giao nói rằng một tàu giám hải và một số tàu hải quân của Trung Quốc đã dỡ các vật liệu xuống, và dựng lên một số chưa rõ tổng cộng là bao nhiêu cột thép với những dấu hiệu viết bằng tiếng Hoa, và đặt một chiếc phao gần Iroqouis Bank ngày hôm qua.

Manila nói hành động này rõ ràng vi phạm thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á về cách ứng xử ở biển nam Trung Hoa.
source
VOA Vietnamese