VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 17 tháng 4 2010
Thưa quý vị, hàng chục ký giả nước ngoài từng tới Sài Gòn đưa tin trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam sẽ trở lại mảnh đất này vào cuối tháng Tư tới đây nhân dịp 35 năm ngày cuộc chiến kết thúc. Trong cuộc gặp mặt có thể là lần cuối cùng này, các nhà báo kỳ cựu sẽ cùng tổ chức triển lãm cũng như chia sẻ ký ức với người xem, nhất là những người trẻ tuổi, về một phần cuộc đời làm báo đáng nhớ của mình. Mời quý vị cùng Nguyễn Trung tìm hiểu về chuyến đi đầy hoài niệm trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Hình: Tim Page
Ông Tim Page đã tới Việt Nam tổng cộng gần 60 lần kể khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1980 sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trả lời VOA Việt Ngữ từ Australia, nơi ông đang sinh sống, ký giả của tạp chí Time hồi những năm 60 – 70 cho biết ông đã ‘đem lòng yêu mến’ Việt Nam.
Nhà báo người Anh này cho biết tuy quay lại thăm và công tác tại Việt Nam nhiều lần, nhưng năm nay đặc biệt hơn vì ông sẽ lại được gặp mặt hàng chục đồng nghiệp chiến trường khác.
Một trong số đó là Carl Robinson, nhà báo kỳ cựu người Hoa Kỳ. Ký giả từng làm việc cho hãng thông tấn AP này cũng chính là người đứng lên tổ chức cuộc hội ngộ. Ông cho biết các phóng viên kỳ cựu cùng người thân của họ sẽ tới TP HCM cuối tháng này.
Tại đây, cả nhóm sẽ tổ chức một buổi triển lãm ảnh cũng như trao đổi với người xem tại khách sạn Caravelle, nơi được coi là đại bản doanh không chính thức của giới ký giả nước ngoài hồi những năm 60 -70.
Ông Robinson nói: ‘So với gần 100 người lần trước, đợt này chỉ khoảng 50 phóng viên kỳ cựu sẽ tới TP HCM. Trong lần gặp gỡ này, chúng tôi sẽ tiếp cận với người dân nhiều hơn so với các lần trước. Điểm đáng chú ý là chúng tôi sẽ trao đổi với người dân địa phương cũng như người nước ngoài ở Việt Nam về những kinh nghiệm sống và làm việc ở miền nam Việt Nam trong thời chiến. Tôi nghĩ mọi người, nhất là những ai chưa trải qua thời chiến, muốn lắng nghe những gì xảy ra thời kỳ đó vì Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua’.
Ông Robinson cho biết thêm rằng kể từ năm 1995, các nhà báo nước ngoài từng đưa tin về Chiến tranh Việt Nam gặp nhau bốn năm một lần đúng dịp Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Khi được hỏi về những điều đáng nhớ nhất kể từ khi tới Việt Nam đưa tin chiến sự lần đầu năm vào năm 1965 khi ông mới 20 tuổi, ông Page cho biết mọi trải nghiệm từ cuộc chiến Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới mình và ông sẽ lưu giữ chúng cho tới cuối đời.
Carl Robinson
Ông nói: ‘Tôi nghĩ đó là một trong những nơi tuyệt vời nhất tôi từng sống. Đó là một câu chuyện mang nhiều kịch tính nhất mà tôi từng đưa tin. Tôi chụp những bức ảnh đẹp nhất. Và tôi có những tình bạn lâu bền nhất. Chưa bao giờ tôi lại sợ hãi, và khổ cực đến vậy. Chưa bao giờ tôi trải qua những điều thú vị như vậy. Tôi đã cho xuất bản năm quyển sách về Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ có một thời kỳ sống và làm việc điên rồ như vậy một lần nữa, nhất là khi đã có tuổi. Tôi ước tôi biết nhiều hơn về Việt Nam khi còn là một thanh niên nếu tôi biết nhiều tiếng Việt hơn. Nhưng trong cuộc sống, không bao giờ có thể nói ‘giá mà thế này, giá mà thế kia’ vì nó không thể quay ngược trở lại quá khứ’.
Ký giả Robinson nói ông và các đồng nghiệp từng nghĩ rằng 2005 là năm cuối cùng họ gặp mặt nhau, nhưng sau đó, vì nặng lòng với Việt Nam, tất cả quyết định trở lại nước này thêm một lần nữa.
Về khả năng không tiếp tục tổ chức các cuộc họp mặt trong những năm tới, ông Robinson cho hay tuổi tác là một trong những lý do dẫn tới điều này.
Ông cho biết: ‘Năm nay tôi 66 tuổi, nhưng vẫn là người được coi là trẻ so với rất nhiều các cựu ký giả khác hiện đã 70 – 80 tuổi. Mỗi năm chúng tôi lại mất đi một số các bạn đồng nghiệp, vì thế con số các nhà báo từng đưa tin về Chiến tranh Việt Nam cũng đang giảm dần. Thêm nữa, nhiều nhà báo thường không hoạch định tốt cuộc sống tương lai. Và khi họ nghỉ hưu, việc tham gia một chuyến đi tới Việt Nam quả là tốn kém đối với họ’.
Ông Page nói với VOA Việt Ngữ rằng ông đồng ý với đồng nghiệp Carl Robinson về vấn đề tuổi già, và cho biết thêm rằng nhiều người bạn thân của họ đã qua đời trong những năm qua.
Nhưng cuộc gặp lần này đã khiến ‘mọi chuyện trở nên thú vị hơn’. Ông Page nói rằng những ký giả tới được TP HCM lần này cho thấy rằng tuổi cao cũng không thể cản trở được họ.
Ông Robinson cho biết ông mong chờ từng ngày để tới thời điểm được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp khác về sự thay đổi lớn của Việt Nam ngày nay, cho dù dĩ nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại ở quốc gia này.
Công dân Hoa Kỳ này nhận xét rằng quan hệ Hà Nội–Washington đã có những tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Ông cho biết: ‘Hiện giờ còn có mối bang giao quốc phòng giữa Washington và Hà Nội. Tôi phải nói rằng Việt Nam đã chơi một lá bài rất thông minh. Họ không thích và phải cảnh giác trước một nước láng giềng lớn (Trung Quốc), trong khi Nga không còn trợ giúp họ nhiều nữa. Cho dù còn những vấn đề bất đồng, như hậu quả của chất da cam, nhưng nhìn chung, mọi chuyện đã êm đẹp hơn rất nhiều. Tôi nghĩ chính quyền Hà Nội giờ đã hiểu ra rằng họ không nên thúc ép Hoa Kỳ quanh vấn đề chất da cam, vì Washington thực tình muốn giải quyết chuyện đó nhưng phải qua các nghiên cứu khoa học, chứ không phải chỉ khăng khăng rằng những dị tật bẩm sinh ở Việt Nam là do chất da cam gây ra. Tôi nghĩ rằng điểm đáng chú ý trong mối bang giao Việt – Mỹ là việc gay gắt chỉ trích và đối đầu nhau không còn nữa, mà thay vào đó là các bước đi thực tiễn. Ngay cả khi Washington lên tiếng về vấn đề nhân quyền, Việt Nam thường lên tiếng phản đối mạnh mẽ, nhưng sau đó ở hậu trường, họ âm thầm lắng nghe và thực hiện điều Hoa Kỳ nói. Lấy ví dụ khi tôi mới trở lại Việt Nam, đạo Tin lành bị đàn áp mạnh tay, nhưng giờ trở lại, tôi nhận thấy có nhiều nhà thờ Tin lành mới.'
Trong khi đó, ông Page nói rằng so với trước, ông đã hiểu rõ hơn về Việt Nam:
‘Kể từ khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1980, tôi đã chứng kiến một sự thay đổi, hay nói cách khác là một sự lột xác của đất nước này sau thời kỳ đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Tôi cũng cảm nhận rõ hơn về văn hóa và con người Việt Nam rõ hơn so với thời thanh niên nhiều nông nổi và sống gấp, lúc tôi 23 – 24 tuổi.'
Sau khi rời TP HCM, đoàn nhà báo sẽ sang thủ đô Phnom Penh để tưởng nhớ hàng chục đồng nghiệp đã bị chế độ Khmer Đỏ sát hại ở Campuchia trong những năm 70.
source
VOA Vietnamese
No comments:
Post a Comment