SINGAPORE (NV) - Ðể bảo vệ quyền lợi của mình trên biển Ðông, Việt Nam áp dụng chính chiến lược mà Trung Quốc đang dùng để đối phó với Mỹ. | Chiến đấu cơ đa năng SU-30MK Việt Nam mua của Nga. (Hình: Airliners.net) | Theo phân tích của Robert Karniol, một nhà báo nổi tiếng là chuyên viên về các vấn đề an ninh quốc phòng, đăng tải trên báo Straits Times ở Singapore hôm Thứ Tư 10 tháng 1 năm 2012, giới quan sát lâu nay hiểu rằng cán cân quân sự đối đầu giữa Hoa Lục và Ðài Loan ngày càng nghiêng về phía lục địa. Hiện Bắc Kinh đang theo đuổi những các mục tiêu an ninh rộng lớn hơn là thâu tóm hòn đảo Ðài Loan. Tuy nhiên, tham vọng chiến lược của Trung Quốc đòi hỏi họ phải có khả năng quân sự đương đầu được với bất cứ sự thách đố nào từ Hoa Kỳ. Cùng với sự hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng đánh trả bằng võ khí nguyên tử, Trung Quốc lúc đầu giải quyết vấn đề đối phó với lực lượng Mỹ bằng chiến thuật “sát thủ giản”. Thời cổ xưa ở Trung Quốc, sát thủ giản là một cái chày một đầu có kim loại mà một người thế yếu dùng để đối phó với một đối thủ hùng mạnh hơn. Thay vì cố gắng phát triển võ khí cho bằng Mỹ mà cũng chưa chắc bắt kịp được sớm, Bắc Kinh tìm cách tận dụng khả năng nào có hiệu quả. Thí dụ, phát triển các võ khí chống vệ tinh. (Quân đội Mỹ dựa vào hệ thống vệ tinh tối tân trong tất cả các chiến trận.) Phương pháp đối phó này bây giờ được định nghĩa là chiến lược “chống tiếp cận - không cho tới” (anti-access/area denial viết tắt là A2/AD). Theo đó, lập các vùng biển độc quyền để làm cho các hoạt động tấn công trở nên rất khó khăn. Bằng cách này, Trung Quốc rõ ràng nhắm đến sự tham dự của các hạm đội có hàng không mẫu hạm của Mỹ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Hoa Lục và Ðài Loan. Dấu hiệu rõ rệt nhất của chiến lược này bao gồm nỗ lực của Trung Quốc phát triển hỏa tiễn hành trình chống tàu DF-21D với tầm hữu hiệu lên hơn 1,500km. Ðiều này sẽ ảnh hưởng rất đáng kể đối với hoạt động của Hải quân Mỹ tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, cũng như các tham vọng hải quân của các nước Á Châu khác là láng giềng của Bắc Kinh. Nhưng chiến lược 'A2/AD' đòi hỏi nhiều hơn là một loại võ khí, như một bài viết gần đây trong một tạp chí chuyên môn của Mỹ giải thích: “Quân đội Trung Quốc đang sản xuất hỏa tiễn hành trình hướng dẫn, tầm xa mở rộng và vận tốc siêu thanh nhắm đến các mục tiêu là các cảng của Hoa Kỳ và đồng minh, các phi trường và hàng không mẫu hạm, làm cho Mỹ khó điều động lực lượng và mở các cuộc không kích”. Jim Thomas, chuyên viên của Trung Tâm Lượng Giá Chiến Lược và Ngân Sách Hoa Kỳ, viết. “Họ đang xây dựng một hệ thống phòng không hợp nhất để định vị và tấn công tất cả mọi loại phi cơ nào tới gần ngoại trừ những phi cơ có khả năng “tàng hình” nhất. Ðội tàu ngầm ngày mỗi gia tăng của họ săn tìm chiến hạm của Mỹ và đồng minh. Các giàn hỏa tiễn hành trình chống tàu chiến của Trung Quốc có thể chống lại lực lượng đổ bộ nào đến gần. Trung Quốc còn biểu diễn cho thấy họ có khả năng bắn rơi những vệ tinh nào của Mỹ bay ở quỹ đạo thấp. Và lại còn thành lập một cơ quan riêng biệt chỉ có nhiệm vụ tấn công các mạng điện tử. “Cộng tất cả lại, những khả năng đó giúp Trung Quốc hậu thuẫn cho các lời khẳng định ngoại giao với các ‘vùng cấm vào’ ngày một bành trướng và đáng tin tưởng, trong đó, sẽ rất khó cho lực lượng Mỹ hoạt động”. Theo sự nhận định của ông Thomas, chiến lược đối phó của Hoa Thịnh Ðốn phải gồm cả việc hậu thuẫn cho các đồng minh ở khu vực phát triển khả năng 'A2/AD'. Riêng với Hà Nội, đây là điều họ đã nghĩ ra, theo tác giả Kerniol. Cũng giống như Trung Quốc đối phó với Mỹ, Việt Nam đối diện với sự khó khăn khi đối phương có khả năng quân sự siêu việt. Hà Nội đã mua các chiến đấu cơ đa năng SU-30MK và chiến hạm Gepard. Các loại trang bị này là dấu hiệu áp dụng chiến lược A2/AD, tức dùng yếu chống mạnh. Thay vì nhìn vào các con số thống kê chênh lệch một trời một vực giữa lực lượng quân sự Việt Nam và Trung Quốc, hãy chỉ nhìn vào khả năng của một vài thứ này. Máy bay SU-30MK được trang bị với hỏa tiễn chống tàu chiến Kh-59MK có tầm tấn công 115km trong khi chiến hạm Gepard được trang bị hỏa tiễn chống tàu Kh-35E có tầm hiệu quả 130km và có thể tấn công loại chiến hạm lên tới 5,000 tấn. Một số tin tức gần đây nói rằng Hà Nội đang tính tới việc trang bị hỏa tiễn siêu thanh Brahmos tầm hoạt động 300 km (mua của liên doanh Ấn-Nga) để tân trang cho SU-30MK cũng như trang bị cho lực lượng phòng vệ bờ biển. Hà Nội đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga mà chiếc đầu tiên, nhiều phần, sẽ nhận vào năm 2014, những chiếc sau mỗi năm một. Võ khí trang bị trên loại tàu ngầm này gồm hỏa tiễn chống tàu chiến 3M-54 Klub, tầm hoạt động tới 300 km. Trong khi đó, để bảo vệ bờ biển, Việt Nam đã mua của Do Thái hỏa tiễn tầm ngắn với khả năng hữu hiệu lên hơn 150km trong khi lực lượng phòng không thì được tăng cường với 3 dàn radar Vera khá tối tân của Czech. Theo ông Karniol, lúc đầu, Hoa Thịnh Ðốn chống lại việc bán này nhưng sau đó đổi ý. Hồi năm ngoái, báo chí ở Việt Nam ồn ào đưa tin biểu diễn “Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển di động K300P Bastion-P được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến và các mục tiêu trên bờ trong tầm bắn tới 300km” mua của Nga. | Sơ đồ, cấu hình của một hệ thống hỏa tiễn phòng vệ biển Bastion-P mà Việt Nam mua của Nga. (Hình: Internet) | Những khả năng trên cho hiểu là Việt Nam đang cố chống lại sức ép của Trung Quốc muốn chiếm trọn biển Ðông. Giống như chiến lược Bắc Kinh dùng để đối phó với Mỹ, Việt Nam cũng dùng một khả năng nhỏ để đe dọa chủ trương phiêu lưu của Bắc Kinh, khiến nó trở nên phức tạp và hao tổn nhiều chứ không phải dễ, dù ăn trùm quân sự về mọi mặt. Tác giả Karniol lập lại quan điểm của ông Thomas là điều quan trọng nhất của Mỹ khi thay đổi chiến lược, hướng sự chú trọng đến Á Châu, thay vì chỉ trang bị cho lực lượng của mình mạnh hơn, cần phải giúp các đồng minh xây dựng lực lượng lấy yếu chống mạnh, chống xâm phạm. Ông Karniol cho hay một phân tích gia nói với báo Straits Times rằng khuynh hướng A2/AD đang thành hình. (T.N.) source Nguoi-Viet Online
|
No comments:
Post a Comment